Thắp hương ngày rằm, mùng 1 hàng tháng cần những gì?, thắp hương lúc mấy giờ, thắp hương mấy nén và làm lễ ra sao, bạn đã biết cách làm đúng để cầu bình an đến gia đình mình chưa?

Theo phong tục cứ vào ngày rằm và mùng 1 đầu tháng, người dân Việt Nam lại sắm lễ cúng tại nhà cầu mong sức khỏe, bình an, vạn sự như ý. Bên cạnh đó, mọi người còn đi chùa cầu xin mọi điều an lành đến với người thân trong gia đình.

Lau dọn ban thờ trước ngày rằm, mùng 1
Lau dọn ban thờ trước ngày rằm, mùng 1

#1. Lau dọn ban thờ trước ngày rằm, mùng 1

Phần quan trọng nhất trong gia đình là bàn thờ Phật, thờ tổ tiên vì đây được coi là nơi linh thiêng, ngày thường không được tùy ý động chạm di chuyển mà chỉ lau chùi sạch sẽ, người xưa cho rằng nếu xê dịch sẽ làm kinh động đến chỗ của thần, thần không được an vị thì không muốn ở lại lâu.
Trước khi dọn ban thờ, người xưa thường phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên. Sau đó thắp một nén hương thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc.
Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Khi làm vệ sinh, nếu có bài vị của thần Phật thì lau trước, sau đó đổ nước mới để lau bài vị của tổ tiên, tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước. Người xưa quan niệm như vậy là bất kính, mạo phạm với thần Phật.
Mâm ngũ quả cúng
Mâm ngũ quả cúng
Thường thì tùy gia đình mà sắp lễ cho phù hợp, tùy theo điều kiện hoàn cảnh của từng nhà. Tuy nhiên, lễ vật cơ bản cần phải có để dâng hương ngày rằm, mùng1 bao gồm những thứ sau:
  • Nén hương (Nhang)
  • Hoa quả
  • Trầu cau
  • Vàng mã
  • Đồ chay
  • Bánh kẹo
Cùng với đó, các đồ dùng để đựng các lễ cúng mặn như bát, đĩa, đũa, thìa… cần phải sử dụng những đồ mới, riêng biệt. Không nên dùng những đồ dùng đã dùng chung, sẵn với các việc khác trong gia đình. Bởi, đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, không uế tạp.
Thêm vào đó, khi cúng cần tách bạch là ban nào thờ hoa quả và ban nào cúng lễ mặn. Các thứ cần phải để riêng. Hoa quả có thể để ở ban trên, còn đồ cúng mặn thì nên kê thêm bàn để ở dưới sau đó thắp hương.
Rất nhiều gia đình mắc phải sai lầm khi dâng lễ cúng trên ban thờ. Đó là việc để chung đồ lễ mặn, chay, hoa quả trên ban thờ, hoặc dùng lẫn lộn đồ cúng.

#2. Số nén hương thắp trên ban thờ

Khi thắp hương, người ta thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Do đó, có thể thắp 1, 3, 5, 7 hoặc 9 nén hương trên mỗi bát hương. Tuy nhiên, tùy không gian thờ cúng, nếu nhà chật, các chuyên gia phong thủy khuyên nên thắp 3 nén cho bát hương thờ Phật, những bát hương còn lại thắp 1 nén để khói hương không gây ngột ngạt và phòng tránh hỏa hoạn.
Ý nghĩa của việc thắp các nén hương (nhang) theo quan niệm dân gian như sau:
– Thắp 1 nén: ngụ ý bình an.
– Thắp 3 nén: có thể linh ứng báo tin, bảo vệ người trong nhà và đánh đuổi tai ương.
– Thắp 5 nén: là cách mà các thầy pháp dự báo hung cát cho người khác hoặc mời gọi thần linh.
– Thắp 7 nén: dùng để mời gọi thiên thần, thiên binh thiên tướng, nếu không phải việc bất đắc dĩ thì không nên dùng hương này.
– Thắp 9 nén: tín hiệu cầu cứu, nếu như bất đắc dĩ, không còn nơi nào cầu giúp đỡ, nhân lực không thể cứu vãn, hi vọng Ngọc Hoàng Đại Đế và Thập điện Diêm Vương cứu giúp muôn dân, cứu khổ cứu nạn. Chín nén hương thường được bày theo ba hàng ba cột.
Chú ý khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm…
Khi khấn cần phải liền mạch, thành tâm cúng bái nhằm thể hiện sự tôn trọng với các vị Phật, thần linh, tổ tiên, ông bà. Quan trọng nhất là thành tâm nói ra ý xin của mình, không nên quá phụ thuộc các bài văn khấn.

#3. Bài cúng Ông Công thường kỳ, Rằm – Mùng 1 Hoặc có việc trong nhà phải Cúng.

Cẩn cáo chư vị Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân.
Tín chủ là:…………………………….
Hiện ở tại……………………………..
Xin kính bái:

Hôm nay nhân tuần Mồng Một (Rằm tháng…, hoặc ngày có kỵ, có công việc…………. trong nhà) đã tới.
Tín chủ với tấm lòng thành, kính dâng lên lễ bạc gồm có: Hương hoa, quả phẩm, vàng mã, cau trầu, trà tửu………………..(kể tên các thứ cúng)

Kính mời các chư vị hưởng lễ.

Kính xin các chư vị cho phép hương hồn (hiển khảo, tổ khảo hay hiển tỷ, tổ tỷ) là:……………. (kể tên người được cúng giỗ) của tín chủ là ông (bà)…………….., cùng chư vị cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, chư vị tiên linh họ……………. về hưởng giỗ kỵ. (Trường hợp không cúng giỗ bỏ đoạn này)
Kính xin các chư vị Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân, phù hộ độ trì cho gia đình tín chủ mọi sự được an lành khang thái!

Cẩn cáo

#4. Bài cúng Mùng 1 hàng tháng

Kính cáo các vị chư gia Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, cùng chư vị tiên linh họ……(ghi họ chủ nhà)
Chúng con là:…………..
Hiện ở tại…………………

Cùng toàn gia kính bái

Kính cẩn thưa rằng:

Chu kỳ hàng tháng
Luật trời đất đã chuyển xoay
Mồng một đến ngày
Vòng thiên địa đà tới lúc

Toàn dân đều nhớ ngày lễ sóc
Mọi nhà không quên buổi lên nhang
Nghi ngút hương thơm
Lung linh đèn nến

Tâm thành lễ bạc
Kính cẩn dâng lên: cau trầu trà rượu
Rượu nhạt lòng lành
Thành tâm trình cẩn: quả phẩm kim ngân

(Kể tên các thứ cúng)

……………………

Kính thỉnh gia tiên
Lâm giáng vị tiền, về hưởng lễ
Xin mời tiền tổ
Hiển linh trước án, đến thời trân

Cháu con luôn biết:
“Vạn cổ anh linh” vẫn độ trì phù hộ

Hậu thế nhớ rằng:

“Quang tiền thùy hậu”* thường giúp đỡ cháu con

Xin với gia tiên
Cho con cháu luôn mọi điều như ý
Trình cùng tiền tổ
Để toàn gia được Thịnh vượng an khang

   Cẩn cáo

   Chú thích:
* Vạn Cổ Anh Linh: Muôn thưở linh thiêng.
* Quang tiền thùy hậu: Gương sáng người trước, để phúc người sau

5/5 (1 Review)
5/5 (1 Review)