Thời gian cúng rằm tháng Giêng 2019 tốt nhất là vào giờ Ngọ, tức từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều.
#1. Ý nghĩa của ngày Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười).
Vào ngày này, người dân thường đi lễ chùa, đồng thời làm lễ cúng Phật và gia tiên để cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình. Đây là lễ tiết quan trọng trong năm nên ông bà ta thường có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.
Rằm tháng Giêng được mọi người cúng vào ngày 14 hoặc 15 tháng giêng. Giờ “chuẩn” để cúng rằm tháng Giêng theo phong tục từ xưa của cha ông ta là thường cúng vào giờ Ngọ.
#2. Ngày rằm tháng Giêng 2019 là ngày nào?
Vào năm Kỷ Hợi 2019, rằm tháng Giêng là ngày 19/2 Dương lịch (tức ngày 15/1/2019 Âm lịch).
Theo lịch vạn niên năm nay, ngày 19/2 là ngày Đinh Hợi, tháng Bính Dần, năm Kỷ Hợi.
Giờ hoàng đạo là: Tân Sửu (1h-3h), Giáp Thìn (7h-9h), Bính Ngọ (11h-13h), Đinh Mùi (13h-15h), Canh Tuất (19h-21h), Tân Hợi (21h-23h).
#3. Nên cúng ngày nào, giờ nào chuẩn nhất?
Thời gian cúng rằm tháng Giêng 2019 tốt nhất là vào giờ Ngọ, tức từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều, vì đây là thời khắc Thần Phật giáng thế.
Còn nếu gia chủ không sắp xếp được thời gian cũng như công việc để cúng vào ngày giờ nêu trên thì có thể cúng trước từ sáng ngày 18/2 Dương lịch (tức 14/1 âm lịch) đến trước 7 giờ tối ngày 19/2 Dương lịch.
#4. Cách sắm lễ cúng Rằm tháng Giêng
Thông thường, cúng rằm tháng Giêng sẽ do các gia đình lựa chọn, theo đó có thể chọn việc cúng rằm tháng Giêng tại nhà hoặc tại chùa, chủ yếu là phải thực hiện nghi thức này thành tâm.
Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng không cần quá cầu kì, nhưng thế hiện được lòng thành, cầu cho gia trạch bình an khỏe mạnh, hướng tới những điều tốt đẹp. Ngoài ra, với gia đình thờ Phật mà không có điều kiện tới chùa làm lễ hoặc muốn tổ chức cúng tại gia thì còn chuẩn bị thêm một mâm cỗ chay.
Nếu cúng tại nhà, các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên. Tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán mỗi nơi mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng có sự chuẩn bị đồ cúng khác nhau.
Với những gia đình không theo đạo Phật, mâm cỗ cúng gia tiên thường là mâm lễ mặn, khá giống mâm cỗ ngày Tết. Mâm cỗ mặn thường có 4 bát, 6 đĩa. Với nhà khá giả có thể có nhiều hơn. 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà hoặc thịt lợn, giò hoặc chả, nem thính có thể thay bằng đĩa xào, dưa muối, đĩa xôi hoặc bánh chưng và bát nước chấm. Tổng cộng là tròn 10 món.
Những món ăn trong mâm cỗ cúng cũng thể hiện những ước mong riêng của người Việt. Bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài; thịt lợn đã chế biến thuộc về âm, dưa hành rau củ thuộc về dương, âm dương hài hòa tượng trưng cho sự phát triển. Ngoài ra trong mâm cỗ còn có thể có thêm cơm tẻ là lương thực hàng ngày. Mâm cỗ có nếp có tẻ, có âm dương đẩy đủ để sinh sôi nảy nở. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn tượng trưng cho trời đất vũ trụ, kết nối cổ kim.
Ngoài những đồ lễ chính trong mâm cỗ cúng Phật và cúng gia tiên, sắm lễ cúng Rằm tháng Giêng có thể chuẩn bị những đồ lễ khác:
- Hương
- Hoa tươi
- Vàng mã
- Đèn nến
- Trầu cau
- Rượu, thuốc lá
#5. Bài văn khấn cúng rằm tháng Giêng chuẩn nhất theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ………………………………………..
Ngụ tại:………………………………………. ……………………..
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm… gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ………………. nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời Ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhưng Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán cũng như nhiều ngày Tết khác của người Việt, theo T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, đều có sự ảnh hưởng từ các tích truyện của Trung Quốc. Chỉ có điều, khi về đến Việt Nam, qua sự tiếp biến văn hóa, các phong tục, ngày lễ này đều có sự thay đổi ít nhiều.
Nhiều tài liệu viết, phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Hồi đó, các cung nữ sau tết Nguyên Tiêu đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ. Nhưng ngặt nỗi, cung vua canh phòng cẩn mật nên không thể ra ngoài.
Đông Phương Sóc – viên sủng thần của Hán Vũ Đế, vốn thông minh, khi nghe được tin này liền tìm cách giúp các cung nữ thực hiện nguyện vọng gặp mặt cha mẹ. Bước đầu tiên, Đông Phương Sóc tung tin, hỏa Thần sẽ cử người đến thiêu hủy thành Trường An, khiến trong nội thành hoang mang khiếp sợ.
Sau đó, Đông Phương Sóc hiến kế với vua Hán Vũ rằng, tối ngày Rằm, mọi người trong cung phải đi lánh nạn ở ngoài cùng vua, các đường to ngõ hẻm, trước nhà sau sân trong nội thành đều treo đèn lồng đỏ, tạo nên cảnh giả thành Trường An lửa cháy hừng hực, nhờ đó đánh lừa Hỏa Thần.
Vua Hán Vũ đã đồng ý phương án này của Đông Phương Sóc. Thế là từ đó, cứ đến ngày rằm tháng Giêng đều phải treo đèn lồng và các cung nữ nhân ngày này đều có thể thực hiện nguyện vọng gặp mặt người thân.
Về sau, Tết Nguyên Tiêu được lưu truyền rộng rãi và ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, cũng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, nước ta đồng thời có sự du nhập của Phật giáo, ảnh hưởng đến nhiều phương diện truyền thống, trong đó có ngày Tết Nguyên Tiêu. Nhờ sự hỗn dung văn hóa này, Tết Nguyên Tiêu cũng có ít nhiều sự biến đổi”.