Trong những tín ngưỡng của Việt Nam thì nén hương đã đi vào đời sống văn hóa của người Việt, và cũng được xem là một nét đẹp vô cùng truyền thống, gần gũi và thiêng liêng với người Việt. Tuy nhiên ở góc độ tâm linh, vẫn còn một số người mở hồ, đặc biệt là ý nghĩa khi thắp hương lên bàn thờ để cúng.
Dưới đây, docungtamlinh.com xin được trích lại những chia sẻ của Tỳ Kheo Thích Tâm Hiệp – trụ trì Am Thụy Ứng- Hải Lăng- Quảng Trị về ý nghĩa của việc Thắp hương trong văn hóa tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam:
“Thắp lên nén hương, ý nghĩa trước tiên là cúng dường mùi hương lên đối tượng chúng ta đang muốn cúng dường. Do vậy nén hương phải có mùi thơm. Mùi thơm này của nén hương, xưa nay được làm bằng chất liệu cây trầm. Một cây hương không tỏa được mùi thơm thì cây hương đó “không có giá trị cúng dường”.
Ý nghĩa thứ hai của việc thắp lên nén hương là “thắp lên niềm thương – kính” có trong lòng ta lến đối tượng ta mốn bày tỏ lòng thành. Thắp hương như vậy, việc thắp lên một nén hương cúng dường vô cùng ý nghĩa và quan trọng trong văn hóa tâm linh tín ngưỡng của đời sống người Việt.
Trong thế giới vô hình đang hiện hữu quanh ta, ta biết Tổ Tiên, Phật – Thánh, Thiện Thần đang có mặt. Đó là cả một thế giới đa dạng nhưng rất vi tế linh nhiệm dị thường, nên cái họ hưởng cũng rất vi tế. Mùi hương thơm của thảo mộc là thứ vi tế mà ta nghĩ khi dâng cúng, họ có thể nhận được. Để gọi là có chút lễ bạc biểu trưng cho lòng thành mà ta muốn bày tỏ, giao tiếp với thế giới kia, thì nén hương là chất liệu thiết yếu. Hay ta có thể nói, biểu lộ qua nén hương, là cách (văn hóa) mà chúng ta giao tiếp với thế giới vô hình.
Thuở nhỏ vào chùa làm chú Tiểu, tôi được thầy tôi dạy khi thắp hương, cầm cây hương phải sao cho cây hương giơ cao quá đầu. Nếu như đưa ngang mũi thì mùi hương xông vào mũi mình, vô tình mình ngửi trước, như thế là phạm lỗi. Trước khi cắm hương xuống lư hương, phải đứng thẳng, thở sâu lắng cho nhất tâm, tay cầm cây hương vái một vái thật thành khẩn, xong mới cắm cây hương vào lư.
Trong khi thắp lên một cây hương, ta có 3 ý nghĩa gởi theo khói hương thơm.
Ví dụ khi thắp hương trước tổ tiên chẳng hạn, ta khấn:
“-Con biết rằng nhờ có Tổ Tiên đã đi qua và tạo dựng mà con mới có được như ngày hôm nay.
– Con biết trong con có những vọng, ước muốn mà tổ tiên đã gởi gắm và trao truyền lại thế hệ hôm nay.
-Con nguyện sống xứng đáng với kỳ vọng mà tổ tiên gởi gắm nơi thế hệ chúng con.”
Nghĩa là ta sống đời sống có phẩm chất của người thực hành giới pháp nghiêm túc không khuyết phạm, ta tạo ra được đạo đức thánh thiện, và đó là loại “hương” quý dâng cúng chư Phật.
Thân khẩu và ý nhờ được huân tập trong phạm hạnh nên mỗi một hành động của thân khẩu ý đều được kiểm soát, khả năng nhiếp tâm gìn giữ tinh chuyên đó đã tạo ra định lực. Sức định tâm đó là một loại “hương” được chế tác trong đời sống dân lên cúng đức Phật.
Nên khi thắp hương chúng ta phải thật chí thành chí thiết, tập trung tâm ý vào cây hương mới được. Thắp hương với giá trị cao siêu như vậy mà bản thân cây hương không tỏa được mùi thơm thì thật đáng tiếc.
Xem vậy biết việc cúng thường quan trọng rất lớn. Thế nhưng hiện nay hương được sản xuất từ những người không hiểu giá trị cây hương như vậy, nên chất liệu làm ra nén hương thật tệ hại. Rồi người có nhu cầu thắp hương cũng không mấy am hiểu ý nghĩa thắp hương, nên mua có hương thắp lên là được.
Tôi, trước mỗi lần tụng kinh đều cầm hương, quỳ dâng hương, thành kính đọc lời kệ dâng hương xong mới cắm hương lên lư. “Xin cho khói trầm thơm, kết thành mấy năm sắc, dâng lên khắp mười phương, cúng dường vô lượng Bụt….” Đọc nhưng thấy áy náy vì biết là mình đang cầm cây hương không có chất liệu trầm thơm. Từ khi cầm chính cây hương của mình sản xuất từ trầm, tôi mới vững tâm đọc câu “khói trầm thơm” mà không thấy dối lòng.”